Thầy Huỳnh Vân Hà – người mang thơ đi giữa đời thường

“Tôi đến với văn chương như người ta đi qua một cánh đồng để lắng nghe gió thổi từ phía con người.”

Với chúng tôi, thầy Huỳnh Vân Hà chính là cánh đồng ấy, nơi có mùi phấn bảng nhòa trong gió, có thơ lặng lẽ nằm trong từng câu giảng, và có tiếng nói nhẹ đến mức… dễ bị lãng quên.

Thầy dạy văn. Nhưng không chỉ dạy. Thầy kể. Thầy đọc. Thầy buông một câu thơ vào không khí rồi để lớp học tự mà thấm:

“Có khi nào trên đường đời tấp nập

Ta vô tình đi lướt qua nhau…”

Giọng thầy nhỏ, nhẹ như cơn gió sớm. Nhẹ đến nỗi có đứa ngồi bàn cuối chẳng nghe gì, ngồi vẽ bậy, nghịch ngợm, cười khúc khích.

Nhưng thầy không giận. Thầy chỉ thở dài và đôi khi, chính cái thở dài ấy khiến tụi học trò nhớ suốt đời.

Thầy nói nhiều. Tụi nhỏ thường rỉ tai nhau:

“Thầy Hà nói nhiều quá trời mày ơi!”

Nói hoài, nói miết, dặn tới dặn lui không sót một ai.

Có lúc tụi tôi bật cười, có lúc giả vờ than thở: “Biết rồi, khổ lắm, thầy ơi…”. Sau này, có muốn nghe thêm một lời của thầy thôi… cũng không còn nữa. Nhưng đó là những buổi tâm tình có thật. Không khuôn mẫu, không giáo điều, chỉ là một người hiểu học trò, và thương học trò bằng tất cả sự chân thành.

Có bạn nghỉ học mấy hôm, thầy đạp chiếc xe cũ kêu cót két đến tận nhà, đôi khi qua những lối đất bùn lầy, những con đường gập ghềnh không phải để trách, mà để hiểu, để thương, để kịp níu lại một đứa sắp buông tay với con chữ. Thầy ngồi nơi hiên nhà lợp tôn xiêu vẹo, khẽ nói:

“Cho nó đi học lại nha cô… Nó học được lắm…”, vì thầy luôn tin: Chữ không nuôi chúng tôi mau lớn. Nhưng chữ dạy chúng tôi biết cúi đầu.

Chiếc xe đạp lạch cạch ấy, chiếc lưng gầy áo bạc màu ấy là hình ảnh của thầy mà chúng tôi không bao giờ quên.

Thầy yêu thơ, yêu một cách lặng lẽ mà đằm sâu. Thầy hay lồng thơ vào bài giảng, vào những giờ sinh hoạt chủ nhiệm, vào cả những câu nhắn nhủ cuối buổi:

“Dẫu không còn trẻ nữa đâu em

Vẫn muốn đón em tan trường ngày nắng muộn…”

Hay có khi là lời thì thầm của Trịnh Công Sơn mà thầy rất thích:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”

Có khi là một câu chạm thẳng vào lòng người:

“Không ai qua sông mà không ướt áo…”

Thầy đã làm thơ bằng đời mình, bằng lòng yêu thương, bằng sự nhẫn nại, bằng ánh mắt luôn đau đáu vì lũ học trò chưa đủ lớn.

Thầy mất rồi. Nhưng đâu có mất. Thầy chỉ lặng lẽ đi về một cõi yên lành, để lại cho đời một tấm lòng và cho tụi tôi, một nỗi nhớ không tên, không cũ.

Thầy không chỉ để lại những trang giáo án bạc màu, mà để lại trong lòng chúng tôi “một mùa thơ chưa bao giờ tắt”.

Bài viết gần đây

Văn chương không phải là đèn soi mà là lửa ấm.

Và thầy Phạm Hữu Nam chính là người đã thắp lên ngọn lửa ấy trong trái tim bao[…]

Thầy Huỳnh Vân Hà – người mang thơ đi giữa đời thường

“Tôi đến với văn chương như người ta đi qua một cánh đồng để lắng nghe gió thổi[…]

Thầy Lê Gia – Nỗi khiếp đảm hình que và cây thước bản to

Thầy nóng tính, gương mặt lúc nào cũng nghiêm như máy đo dao động. Mắng học trò như[…]