Ở cái thời mà tiếng Anh còn là một thứ xa xỉ, còn quý hiếm hơn cả dầu gió xanh hay radio National, thì cô Chi Mai, cô gái Huế dịu dàng, bỗng dưng xuất hiện giữa sân trường như một làn gió lạ. Người thì nhỏ nhắn, tóc lúc nào cũng ngắn, mang theo cả một cuốn giáo trình mà chỉ cần nghe đến thôi là học trò đã… muốn trốn dưới gầm bàn.
Ngày đó, trường mình chẳng có phòng lab nghe tiếng Anh, cũng chẳng có máy chiếu hay giáo trình màu mè gì. Tất cả là bảng đen, phấn trắng, một quyển giáo khoa mỏng dính và… nỗi lo sợ khôn nguôi khi nghe cô Chi Mai nói: “Next, please!”. Câu đó tưởng chừng lịch sự nhưng thực ra là hồi chuông tử thần cho đứa học trò chưa kịp học bài, vừa chắp tay cầu khấn vừa lật tập lụp chụp phía dưới hộc bàn.
Mà tiếng Anh ngày đó nó khô, khô như cá bống phơi nắng giữa sân trường. Học sinh cứ thấy “To be” hay “To have” là tự nhiên đầu óc quay cuồng, chẳng khác gì nghe cô đọc thần chú. Có đứa thầm nghĩ, “To be or not to be?” không phải là triết lý sống nữa, mà là… quyền lựa chọn của học trò: Học thì khổ, không học thì… chết chắc.
Cô Chi Mai gốc Huế nhưng khi đọc tiếng Anh lại dứt khoát, rõ ràng, âm cuối bật ra như nhát kéo. Học trò bắt chước thì thành… thảm họa. Cái đứa nói tiếng Quảng nặng như đeo đá, mang gông mà lại đọc tiếng Anh thì… thôi rồi. “Does she like cats?” mà phát âm thành “Đớt xi lai cát”, thank you”biến thành “seng kiu” nghe y chang như tiếng rao “mắm ruốc nguyên con” dưới chợ La Hà.
Giờ dò bài của cô là một trường đoạn kinh dị. Không phải ai cũng được điểm cao. Có đứa học bài kỹ mà vẫn run như cầy sấy, vừa đứng lên là mặt đỏ bừng như trái gấc chín, mồ hôi nhỏ thành giọt, tay run lập cập cầm cuốn tập như cầm… bản án. Cô hỏi: “Read this sentence, please.”
Trả lời thì lí nhí “I… go… to… sờ-cu…”như chuột kêu trong hộc bàn, sai ngữ điệu thì cô mỉm cười nhưng mắt vẫn nghiêm: “One more time, but this time… with feelings!”. Cả lớp cười rần, nhưng đứa bị kêu tên lên bảng thì chỉ muốn độn thổ; nhiều đứa sau giờ học chạy ù ra sau trường, gào lên:
“To be or… to run away?”. Sau mỗi lần bị cô “truy bài”, là một lần học trò biết sợ mà cũng là một lần trưởng thành. Dưới sự hướng dẫn của cô, học trò lười và chậm cách mấy rồi cũng dần biết phân biệt “he” với “she”, biết chia thì hiện tại hoàn thành mà không… hoàn toàn mất trí.
Ấy vậy mà… cái sự nghiêm khắc, chuẩn mực, đôi khi pha chút hài hước duyên dáng Huế ấy lại là điều khiến cô Chi Mai trở thành một phần đặc biệt trong hành trình của bao thế hệ học trò.
Cô không chỉ dạy tiếng Anh. Cô dạy cách đứng lên khi mắc lỗi. Dạy cách “say sorry” and “try again”. Dạy cái đẹp của ngôn ngữ, không chỉ nằm trong câu cú, ngữ pháp mà nằm trong cách mình kiên trì và tôn trọng mỗi lần được học.
Dù có lúc học trò ngáp ngắn ngáp dài vì cô bắt chia thì quá khứ tiếp diễn ngay sau giờ thể dục, hay khổ sở luyện phát âm “th” như thể đang thổi bột mì, thì cái cảm giác “bị cô dò bài” giờ đây lại là một dấu ấn không thể quên.
Cô Chi Mai, với giọng Huế ngân nga, lúc nhẹ như mưa xuân, lúc rắn như roi mía, đã mang ngọn gió mới, lạ lẫm mà đầy thách thức thổi vào ngôi trường làng khiêm tốn ngày ấy. Để từ đó, tiếng Anh, cái môn học khô khan, đắt đỏ ấy dần trở thành một phần ký ức của bao thế hệ, nơi có nỗi sợ hãi nhưng cũng có cả sự thương kính khôn nguôi.
Nhiều năm sau, khi cuộc sống đã cuốn mỗi người về một phương trời, có khi bất chợt nghe ai đó nói tiếng Anh bồi, hay nhìn thấy cuốn sổ tay chia thì cũ kỹ, là trong lòng lại bật cười nhớ đến cô.
“To be or not to be?”
Với tụi học trò năm xưa, giờ đây chỉ có một câu trả lời:
“To be grateful, tụi em biết ơn cô Chi Mai!”