Cô Lệ hiền lành, giọng nói nhẹ, ánh mắt luôn đong đầy sự quan tâm. Mỗi lần bước vào lớp, cô thường mỉm cười chúm chím, tay ôm xấp tài liệu và một bó phấn nhỏ đủ để bắt đầu hành trình khám phá cơ thể sống với đám học trò đang tuổi “phân chia mạnh mẽ như tế bào nguyên phân”. Nhưng đừng nghĩ cô hiền là sẽ “dễ dụ” nhen, lớp nào mà có đứa tỏ ra láu cá, cố tình suy diễn mấy cụm từ như “giao phối”, “thụ tinh chéo”, hay “cơ quan sinh dục phụ” theo kiểu tinh quái thì y như rằng sẽ thấy biểu hiện “đột biến sắc mặt” ở cô. Cái nhìn nghiêm như kính hiển vi, giọng nói trầm xuống, từng chữ rõ ràng, khiến cả lớp im phăng phắc như bị đông lạnh ở 273°C. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, cô lại trở về trạng thái “cô Lệ hiền lành” như thể mọi phản ứng vừa rồi chỉ là một quá trình tạm thời của một cơ chế tự vệ.
Mỗi tiết học của cô là một chuyến phiêu lưu vào thế giới kỳ thú của sự sống. Khi thì chui vào trong tế bào để tìm hiểu ty thể, lục lạp, những “nhà máy năng lượng” đang miệt mài lao động. Khi thì lên men vi sinh để làm sữa chua, bánh mì, và phân tích “vì sao men nở lại giống… mấy đứa học trò tăng động giờ ra chơi”. Cô giảng bài bằng ngôn ngữ sinh học nhưng luôn pha chút dí dỏm đời thường, khiến tụi học trò nhớ bài không phải bằng áp lực điểm số mà bằng niềm vui khám phá. Nhiều khi cô còn đùa: “Nếu cô là gen trội, thì mong tụi em là thế hệ F1 mang đặc điểm yêu môn Sinh mà không đột biến về đạo đức”
Không thể không nhắc đến những tiết thực hành mà học sinh vẫn hay gọi vui là “giờ học phiêu lưu ký”. Một trong những tiết học huyền thoại chính là bài về “vòng đời của châu chấu”. Ngay từ hôm trước, cả lớp đã háo hức chuẩn bị như sắp tham gia chương trình thực tế “Bắt côn trùng cùng học sinh cấp ba”. Đứa thì đi ruộng, đứa thì ra bờ tre, đứa xin châu chấu từ mấy anh chăn bò. Sáng hôm ấy, lớp học rộn ràng tiếng cười, tiếng “túi lưới va đập”, tiếng côn trùng bay loạn xạ như thể đang quay phim “Công viên kỷ Jura phiên bản côn trùng”. Có đứa đem nguyên hộp gi gô cà men chứa đầy châu chấu, còn cẩn thận khoét lỗ trên cái nắp cho “mẫu vật” thở. Cô Lệ vừa buồn cười vừa đau đầu, nhìn cả lớp như một quần thể đa dạng sinh học đang tiến hóa… ngược.
Khi tiết học bắt đầu, cô yêu cầu từng nhóm quan sát, ghi chép, vẽ cấu tạo châu chấu, rồi thuyết trình. Có nhóm nghiêm túc đến từng khớp chân, có nhóm thì… “sáng tạo” tới mức vẽ châu chấu biết cười, biết đeo nơ, thậm chí có cả cánh hình trái tim. Cô chỉ nhìn mà cười, vừa sửa bài vừa nói: “Đây là tiết học Sinh học, không phải cuộc thi vẽ minh họa tiểu thuyết thiếu nhi đâu nha mấy đứa”
Không chỉ có những tiết học thú vị, cô Lệ còn được biết đến là người cực kỳ chỉn chu trong dạy học. Quên vở, quên ghi bài, dù là lý do gì, cũng khó mà qua mắt được cô. Nhưng cái cách cô phạt lại khiến học sinh nể hơn là sợ. Cô không la rầy, mà chỉ nói bằng giọng nhẹ tênh: “Nếu không lưu giữ được kiến thức hôm nay, thì tụi em giống như một tế bào bị đột biến, sống đó nhưng chẳng thực hiện đúng chức năng.” Và thế là đứa nào cũng tự thấy “hổ thẹn như vi khuẩn bị tiêu diệt bởi kháng sinh”. Cô dạy trò bằng sự bao dung, nhưng cũng không dễ dãi như chính quy luật cân bằng sinh thái: yêu thương thì phải có kỷ luật để duy trì sự sống bền vững.
Ngoài lớp học, cô Lệ cũng hay tham gia các hoạt động phong trào, thường đến sớm để ngắm nắng và nhìn mấy cây phượng vĩ, rồi gật gù: “Hôm nay có vẻ quang hợp tốt.”
Với học sinh, cô Võ Thị Lệ không chỉ là một cô giáo dạy Sinh, mà là người truyền lửa cho tình yêu thiên nhiên, lòng yêu kiến thức, và cả cái nhìn đầy nhân văn về sự sống. Dưới lớp áo hiền lành ấy là một tâm hồn tỉ mỉ, bền bỉ và hết lòng vì học trò. Cô là cá thể trong hệ sinh thái yêu thương của mái trường Tư Nghĩa 1, như nhiều thầy cô giáo khác đã dành cả thanh xuân để gieo hạt giống tri thức và nuôi dưỡng biết bao thế hệ học trò trưởng thành, mang theo ký ức về một người cô giản dị, mà đáng kính vô cùng.
Nguồn Trang Chilli