Cô Lê Thị Thanh Hương – người khiến môn GDCD bỗng dưng dễ thương lạ lùng


– Mấy đứa nghĩ thử coi, tự do ngôn luận có phải muốn nói gì cũng được không?

Tụi tôi ngơ ngác, im im, chưa kịp trả lời thì cô đã toe toét cười:
– Im ru vậy là do không biết hay đang ngồi mộng mơ đó?

Rồi cô kể chuyện. Có khi là chuyện về một vụ lùm xùm trên mạng, có hôm lại là chuyện cô đọc được từ một trang báo, hay từ chính trải nghiệm đi du lịch ở đâu đó. Những chuyện nghe tưởng không liên quan gì tới bài học, vậy mà cô lồng vào khéo léo, khiến cả lớp ngồi im thin thít để nghe, nghe rồi mới hiểu, à thì ra đó là quyền và nghĩa vụ công dân, là bình đẳng giới, là pháp luật và kỷ luật, là tất cả những bài học trong sách giáo khoa GDCD lớp 10, 11, 12 nhưng giờ đã có hơi thở, có nhịp tim, có đời sống thật ngoài kia.

Tôi nhớ có lần học bài Công dân với sự phát triển kinh tế (GDCD 10), cô không hề bắt tụi tôi học thuộc lòng định nghĩa, mà hỏi:
– Nếu tụi con có 10 triệu đồng, tụi con sẽ làm gì để số tiền ấy “sinh lời”?
Rồi cô kể chuyện một bạn học sinh cũ của cô, từng khởi nghiệp từ… bán sen đá online. Cô cười khúc khích: “Mấy đứa đó, yêu cây hoa lá còn hơn yêu người yêu luôn đó.” Mà chính những câu chuyện nhỏ như vậy lại làm tụi tôi hiểu hơn giá trị của lao động, của sáng tạo, và của tinh thần công dân chủ động trong nền kinh tế.

Tôi vẫn còn nhớ như in tiết học về “Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo”, cô mang vào lớp một bức ảnh chụp từ chuyến đi Tây Bắc, nơi cô tình cờ chứng kiến người Dao và người Thái cùng nhau tổ chức một phiên chợ Tết. Cô kể bằng giọng đầy cảm xúc:
– Ở nơi ấy, người ta khác nhau đủ điều: trang phục, tiếng nói, cách ăn Tết… nhưng ai cũng tôn trọng nhau, sống chan hòa như thể không còn khoảng cách nào.
Tụi tôi ngồi nghe mà thấy rưng rưng. Một bài học tưởng như chỉ có trong sách, bỗng hóa thành chuyện đời, thành sự cảm nhận, thành bài học không thể quên.

Khi học bài “Pháp luật và đời sống”, cô Hương lại mang theo clip ngắn ghi cảnh một người dân quay lại tình huống bị công an giao thông xử phạt. Thay vì hỏi tụi tôi “có đúng luật không?”, cô lại hỏi:
– Nếu tụi con là người bị phạt, tụi con sẽ xử lý thế nào để vừa đúng luật mà vẫn giữ được thái độ văn minh?
Cô nói: “Học luật là để biết bảo vệ mình, nhưng sống tử tế mới là giữ được sự tôn trọng của người khác.” Câu nói đó ám vào đầu tụi tôi đến tận bây giờ khi đã rời ghế nhà trường, đã đi làm, đã va chạm đủ chuyện.

Cô Hương còn có cách dạy rất “người”, rất đời. Cô không giảng bài như cái máy, mà hay ngừng lại giữa chừng, liếc xuống lớp, nheo mắt nửa đùa nửa thật:
– Cô nói nãy giờ, tụi con hiểu gì chưa hay chuẩn bị gục rồi?

Cô hay cười, và đã cười thì cười… hết cỡ ,nụ cười toe toét, sảng khoái như nắng đầu mùa. Cái cười đó khiến cả lớp thoải mái, khiến tụi tôi thấy học không còn là việc gò ép, mà là những giờ phút trò chuyện nhẹ nhàng, tử tế, và đầy chất sống.

Ngoài lớp học, cô là người trẻ trung, mê du lịch, yêu cây lá, thứ tình yêu mà tụi tôi hay đùa là “cô mà bán sen đá chắc đắt hàng nhất tỉnh”. Cô là người theo chủ nghĩa xê dịch, có hôm đăng cả ảnh ngồi giữa cánh đồng lau trắng, tay ôm cốc cà phê cười rạng rỡ, có hôm ngắm núi đón bình minh. Nhìn hình cô, ai cũng nghĩ: ủa cô là giáo viên hả, sao chill quá vậy?

“Học GDCD với cô Hương là lần đầu tiên em thấy luật pháp… dễ thương đếnthế” – một đứa lớp tôi từng nói vậy trong lúc cả lớp cười rần rần. Câu nói nghe tưởng giỡn chơi, nhưng mà thật. Vì chỉ có cô mới khiến tụi tôi nhận ra rằng: những điều khô khan trong sách giáo khoa thật ra rất gần với đời sống, rất cần cho hành trình trưởng thành, nếu người đứng lớp đủ chân thành để thắp cho nó một ngọn lửa.

Thời gian trôi, người lớn dần, mái tóc cô cũng dần điểm sợi bạc. Nhưng trong trí nhớ của tụi học trò năm xưa, cô Hương vẫn luôn là người gieo yêu thương vào những tiết học tưởng chừng vô vị. Cô không chỉ dạy chữ nghĩa, mà dạy cách sống, sống biết điều, sống tử tế, sống hiểu luật mà không cứng nhắc, sống đúng nhưng không đánh mất sự mềm mại của trái tim.

(Lời tâm sự của một đứa học trò thuộc thế hệ cuối 9X dù ra trường nhiều năm nhưng vẫn còn non nớt)

Bài viết gần đây

Có những chuyến trở về để giữ mãi những gì đã từng đẹp nhất.

Hơn một tuần nữa thôi, bước chân tôi sẽ lại đặt lên ngưỡng cổng Tư Nghĩa 1 –[…]

Gửi thầy cô ở phương xa…

Thầy cô kính yêu, Giờ này, có lẽ thầy cô đang ở một phương trời rất xa, xa[…]

Thầy Phạm Xuân Tám – Người học trò chưa từng rời xa mái trường xưa

Thầy Tám từng là học trò của Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Và giờ đây, thầy vẫn[…]