Bàn tay thầy và hơi thở cuối cùng của tiếng Anh trong tôi 

You taught with grace, with heart, with fire,

And lit in me a deep desire.

To learn, to speak, to dare, to be

A braver, fuller version of me,

You shattered walls I built in fear,

Spoke truth that burned but drew me near.

Your voice became my battle cry,

That told my soul it’s right to fly….

Nhắc đến thầy Nguyễn Hữu Sơn, tôi tin là bao thế hệ học trò Trường THPT số 1 Tư Nghĩa lại nhớ ngay đến hình ảnh một người thầy vô cùng mô phạm từ dáng đi khoan thai, giọng nói trầm ấm, đến cách giao tiếp chuẩn mực trong từng ánh mắt, nụ cười. Thầy không chỉ là một giáo viên dạy giỏi môn tiếng Anh, mà còn là một “biểu tượng của sự chuẩn mực”, khiến học sinh dù có nghịch cỡ nào khi gặp thầy cũng tự động “chỉnh chu, nghiêm túc”.

Thầy dạy tiếng Anh thì khỏi phải nói, chuẩn không cần chỉnh. Phát âm của thầy mượt như giọng đài BBC, mà đôi khi nghe còn cuốn hút hơn. Thầy rất khó tính với phát âm. Âm /θ/ và /ð/ mà phát sai là coi như… khỏi về. Học với thầy, muốn được điểm cao không chỉ đúng nghĩa, mà còn phải đọc đúng âm, đúng thần thái, đúng nhịp thở.

Tôi còn nhớ như in, có một lần thầy bảo cả lớp:
“Các em, chữ này đọc sai là từ điển sẽ khóc, người bản xứ sẽ sợ, và… thầy sẽ buồn!”
Rồi thầy chỉ lên bảng một chữ to tướng: Beach.
Từ đó về sau, tôi sợ luôn, nhưng nhớ cũng luôn. Không dám đọc sai dù chỉ một lần.

Thầy còn có tuyệt chiêu dạy từ vựng bằng liên tưởng “bá đạo”. Từ “umbrella” thầy bảo đó là “cái gậy biết che đầu khi trời giận cá chém mưa”. Học như chơi, mà nhớ cực dai, hay chữ “tired” thầy đọc mẫu rồi bảo: “Giọng mệt, mặt mệt, mà không ra tiếng mệt là thầy… mệt luôn”

Và giữa những tiếng cười rôm rả ấy, có một câu nói của thầy mà tôi nhớ mãi, thấm từng chữ một: Học tiếng Anh không chỉ là biết nghĩa, mà còn phải nói cho đúng, cho hay, cho người ta muốn nghe mới là thành công.”
Câu nói ấy vừa giản dị vừa sâu xa đã thay đổi cách tôi học, và cả cách tôi nghĩ về việc học. Không còn là để thi cử, để đối phó, mà là để hiểu, để kết nối, để bước ra thế giới.

Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy còn là tấm gương sống chuẩn chỉnh, đạo đức. Thầy dạy chúng tôi bằng cả tấm lòng, bằng sự kiên nhẫn, bằng những cái gật đầu động viên rất nhẹ nhưng rất lực. Thầy chưa từng than vãn, chỉ luôn âm thầm nhắc nhở: “Các em cố lên, tiếng Anh giúp mình mở ra một thế giới khác đấy.” Và nhờ thầy, tôi tin điều đó là thật.

Có thể nhiều năm nữa, tôi sẽ quên một vài quy tắc ngữ pháp, vài cấu trúc câu phức tạp. Nhưng cái cách thầy phát âm từ đơn giản nhất, cái cách thầy đứng nghiêm bên bục giảng, và cái cách thầy nhìn học trò bằng ánh mắt vừa nghiêm vừa thương thì mãi mãi không quên được.

Lần cuối cùng tôi gặp thầy…

Đó là một chiều tối âm u, những ngày cuối đời khi thầy lâm bệnh nặng. Tôi đến thăm, tim nghẹn lại khi thấy thầy nằm đó, gầy yếu và đau đớn quằn quại. Không còn giọng nói vang lên rõ từng âm tiếng Anh như thuở nào, chỉ còn hơi thở mệt nhọc và ánh mắt vẫn ánh lên điều gì đó chưa kịp nói.

Tôi ngồi bên, nắm tay thầy, bàn tay đã từng cầm phấn giảng cho tôi từng chữ “think”“thank”“believe”… Tay tôi run run, mắt nhòe đi vì nước mắt. Dường như thầy muốn nói điều gì đó, mà không còn đủ sức… Nhưng tôi hiểu. Tôi cảm nhận được tấm lòng thầy dành cho học trò, cho môn tiếng Anh mà thầy từng dồn hết tâm huyết cả đời.

Từ ngày ấy, tiếng Anh với tôi không còn là một môn học. Nó là hơi thở, là ký ức, là một phần trong hành trình sống của tôi. Là nhịp cầu giúp tôi tự tin đi đến nhiều quốc gia khác, gặp gỡ nhiều con người khác, nhưng trong tim luôn có hình bóng một người thầy, người đã gieo vào tôi ngọn lửa yêu ngôn ngữ bằng cả trái tim mình.

Tôi chưa từng nói với thầy điều này, nhưng nếu được quay lại giây phút ấy, tôi sẽ thì thầm: Thầy ơi, con đã hiểu. Và con luôn biết ơn thầy

(Một chút cảm nghĩ về thầy nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường THPT số 1 Tư NghĩaHọc trò cũ của thầy – Trần Thị Thùy Trang K1993-1996)

Bài viết gần đây

Có những chuyến trở về để giữ mãi những gì đã từng đẹp nhất.

Hơn một tuần nữa thôi, bước chân tôi sẽ lại đặt lên ngưỡng cổng Tư Nghĩa 1 –[…]

Gửi thầy cô ở phương xa…

Thầy cô kính yêu, Giờ này, có lẽ thầy cô đang ở một phương trời rất xa, xa[…]

Thầy Phạm Xuân Tám – Người học trò chưa từng rời xa mái trường xưa

Thầy Tám từng là học trò của Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Và giờ đây, thầy vẫn[…]