Thầy nóng tính, gương mặt lúc nào cũng nghiêm như máy đo dao động. Mắng học trò như bão, mắt liếc kiểm tra như tia laser, giọng sang sảng vang từ dãy này qua dãy kia. Nhưng điều lạ là sau mỗi lần mắng, thầy lại lặng lẽ giảng lại bài, cặn kẽ hơn, mềm lòng hơn. Cái nóng ấy không phải vì ghét bỏ, mà vì thầy thương, thương tụi học trò bướng bỉnh, chưa hiểu bài, và chẳng bao giờ chịu ngồi yên quá một tiết học.
Tụi tôi thì đâu có vừa. Nghịch như quỷ. Có lần thầy vô lớp, mở cặp ra, thay vì sách vở giáo án, thầy tá hoả thấy toàn vở học sinh. Thì ra, có đứa tinh quái đã… đổi cặp của thầy với bạn trong lớp. Cả lớp cười như pháo nổ, còn thầy thì… thở dài bất lực, miệng lầm bầm: “Tụi bây không phải học sinh, tụi bây là định luật bất biến trong sự rối não của thầy!” Nhưng ai cũng biết, thầy giận đó rồi quên đó, cái giận của người thương lo quá mà hóa ra khó tính.
Những ngày không thuộc bài là những ngày tụi tôi “cháy như mùa khô hạn”, nhưng đứa nào lên bảng cũng gãi đầu, ậm ừ như mất sổ gạo. Ấy vậy mà thầy chỉ tét một cái nhẹ tay rồi nói: “Học lại đi con, kiến thức không tự sinh ra cũng không tự mất đi, chỉ chuyển hoá từ… não thầy sang não trò, nếu chịu học.” Tụi tôi sợ, nhưng cũng cười. Mà cũng vì vậy mà nhớ, nhớ cái cách thầy thương bằng tiếng mắng, nhớ cây thước vừa là nỗi sợ, vừa là kỷ niệm.
Rồi một ngày, thầy không còn bước vội qua hành lang, không còn giơ cây thước dằn nhịp giảng bài. Thầy nghỉ hưu, rời lớp học lặng lẽ như viên phấn cuối cùng rơi xuống bảng. Tụi tôi mỗi đứa mỗi nơi, lâu lâu gặp nhau vẫn đứa nào mở đầu: “Nhớ cây thước của thầy Gia không?”, câu hỏi đó không chỉ để chọc cười, mà là cách tụi tôi ôm lại một phần tuổi thơ dữ dội mà chan chứa yêu thương.
Nghe đâu giờ thầy ở quê, sáng đi bộ, chiều tưới cây, tối đọc báo. Có đứa học trò ghé chơi, thầy vẫn hỏi: “Giờ còn nhớ lực hướng tâm là gì không?”rồi cười móm mém, mắt vẫn sáng như ngày nào.
Thầy nghỉ dạy, nhưng làm gì có ai nghỉ được việc gieo vào lòng học trò một nỗi nhớ suốt đời. Với tụi tôi, thầy Lê Gia mãi là “lực tác dụng” khiến bao kỷ niệm học trò bật ngược trở lại. Thầy truyền lực không chỉ từ cây thước mà từ tấm lòng mộc mạc, khô khan ngoài mặt mà mềm tận ruột gan.