Cô Nguyễn Thị Tỵ – Địa Lý Không Chỉ Là Bản Đồ, Mà Là Nhân Độ

Cô Tỵ dạy Địa.
Nghiêm khắc, cứng nhắc đến mức nhiều đứa học trò cả cấp ba không dám lại gần. Cô không pha trò, không kể chuyện, không chiều chuộng cảm xúc lớp trẻ.
Cô giảng bằng giọng rít lên, bắt ghi bài bằng dấu gạch đầu dòng. Học sinh không hiểu thì… ráng về suy nghĩ thêm. Trả bài mà chỉ thuộc lòng thì bị nhắc nhở; cô đòi hỏi chúng tôi phải phân tích, phải lý giải, phải suy luận.

Lúc đó, tụi tôi thấy cô “khó ưa”. Nhưng giờ, khi đã lớn, đã đi làm, đã từng loay hoay trước những bản kế hoạch kinh doanh hay những quyết định quan trọng, mới thấm:
Cô đang tập cho tụi tôi tư duy mạch lạc, rèn khả năng giải quyết vấn đề, những thứ mà trường đại học hay đời sống sau này đều đòi hỏi khắt khe, nhưng lại chẳng ai dạy kỹ như cô.

Cô dạy địa lý, nhưng thực chất là đang mở ra trước mắt chúng tôi cả một thế giới, nơi con người không thể tách rời khỏi thiên nhiên, nơi khí hậu và thổ nhưỡng định hình nên tính cách và lối sống của từng vùng miền.
Chúng tôi học cách nhìn dãy Trường Sơn không chỉ như một đường gấp khúc trên bản đồ, mà là bức tường chắn gió, phân chia khí hậu, tạo ra nắng gió gay gắt cho miền Trung, nơi sinh ra những con người kiên cường, tiết kiệm, nhẫn nại.
Chúng tôi học vì sao đất Tây Nguyên đỏ au mà trồng cà phê ngon nhất nước. Vì sao miền Tây sông nước lại đôn hậu, phóng khoáng.

Và rồi một ngày, chúng tôi chợt nhận ra:
Muốn giỏi làm kinh tế thì trên phải thông thiên văn, dưới phải hiểu địa lý.
Muốn hiểu con người thì phải bắt đầu từ đất đai, khí hậu và cả những khắc nghiệt đã nuôi lớn họ.

Cô không bao giờ giảng đạo lý, nhưng chính bài giảng của cô đã lặng lẽ gieo mầm tri thức, thứ tri thức gắn liền với thực tế, với cuộc đời.
Và đến khi những mầm ấy nảy nở, trong một khoảnh khắc nào đó giữa đời thường, chúng tôi mới chợt thốt lên:

“Cô Tỵ nói rồi mà…”

Xin được gửi đến cô lời tri ân muộn màng, lời mà suốt những năm tháng học trò, chúng tôi đã chẳng thể thốt nên lời.
Ở nơi chốn bình yên ấy, nếu có lúc nào cô ngoái nhìn về kỷ niệm xưa, mong rằng cô sẽ nhớ đến chúng tôi, những đứa học trò từng ngu ngơ, từng ngại ngùng né tránh ánh mắt nghiêm nghị của cô, nhưng giờ đây đã hiểu, đã biết ơn, và mang theo những bài học của cô như hành trang quý giá suốt đời.

Bài viết gần đây

Cô Trần Thu Hà – Người thắp lên ngọn lửa chữ nghĩa và lòng nhân hậu

Có những người đến với nghề dạy học bằng bổn phận. Có người chọn nghề bằng đam mê.[…]

Văn chương không phải là đèn soi mà là lửa ấm.

Và thầy Phạm Hữu Nam chính là người đã thắp lên ngọn lửa ấy trong trái tim bao[…]

Thầy Huỳnh Vân Hà – người mang thơ đi giữa đời thường

“Tôi đến với văn chương như người ta đi qua một cánh đồng để lắng nghe gió thổi[…]