Trong bộ nhớ chung của Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, nơi lưu giữ những ký ức đẹp đẽ của thầy trò bao thế hệ, cái tên Thượng Văn Huệ luôn nổi bật như một biến toàn cục vừa có hàm lượng tri thức cao, vừa có giá trị thẩm mỹ lớn.
Là một trong những học trò xuất sắc của thầy Bùi Nhật Tuấn và Thầy Lê Gia, thầy Huệ vừa yêu môn Lý vừa thích thú những định lý Toán học. Thế nhưng, thầy không đi theo con đường Toán truyền thống như các thầy cô giáo khác mà rẽ sang một lối đi “hiện đại” hơn: bộ môn Toán Tin, đặc biệt là mảng lập trình Pascal thời ấy còn là điều gì đó rất mới mẻ với học trò cấp ba miền quê.
Ấn tượng đầu tiên về thầy Huệ không phải là công thức, cũng không phải là sơ đồ giải thuật mà là một khí chất “rất men”. Cái cách thầy bước vào lớp, dáng thanh tao, ánh mắt hơi xa xăm, phong thái điềm đạm, áo sơ mi lúc nào cũng chỉn chu như đang bước ra từ… bài toán sắp hàng mà luôn đứng đầu hàng. Học trò nữ mê mẩn, còn các cô giáo trong trường thì… trộm nhìn thầy rồi cười tủm tỉm, như thể đang đoán: hôm nay thầy dùng Pascal hay đang “viết hàm trái tim” cho ai đó?
Khi nhắc về môn Tin học ở Trường THPT số 1 Tư Nghĩa những năm trước, có lẽ nhiều thế hệ học trò sẽ cùng thở dài rồi phá lên cười, vì cái thời “tin học nhà nghèo” ấy, máy vi tính là của hiếm, chuột phải gõ tay, còn lập trình thì học bằng… giấy và trí tưởng tượng.
Thế nhưng, chính trong giai đoạn thiếu thốn ấy, thầy Huệ đã trở thành người “thắp lửa” cho một bộ môn tưởng chừng xa xỉ giữa vùng quê còn lam lũ. Và điều kỳ diệu là lửa ấy cháy rất lâu, cháy âm ỉ trong lòng bao thế hệ học trò, dù khi đó… chẳng mấy ai được chạm tay vào một chiếc máy tính thật sự.
Thầy không nói nhiều, nhưng nói đâu trúng đó, mỗi câu đều để lại dấu ấn. Đặc biệt là khi chuyển sang giảng dạy bộ môn Tin học, thầy “ra chiêu” với một câu gây chấn động cả lũ học trò:
“TIN thì học, KHÔNG TIN thì thôi!”
Một câu nói vừa là chơi chữ, vừa là định hướng. Học trò lúc đầu ngơ ngác, sau đó phá lên cười, rồi… ngồi im lặng mở sách lập trình, bắt đầu học thật. Cái khí chất nửa nghiêm, nửa lãng tử của thầy khiến học trò vừa nể vừa thích, không dám cười lố mà cũng chẳng dám lười biếng.
Thầy Huệ là kiểu người “học ra học, chơi ra chơi”, không pha trộn, không nửa vời. Trong lớp, thầy nghiêm túc tuyệt đối. Nhưng sau giờ học, khi thầy tham gia công tác Đoàn Thanh niên của trường, thì lại là một thầy Huệ khác: nhiệt tình, vui tính, sẵn sàng hòa vào không khí trẻ trung của học trò. Đối với thầy, dạy học không chỉ là lên lớp giảng bài, mà còn là dạy bằng cách sống, bằng lối ứng xử và những hoạt động gieo giá trị vào lòng người.
Giờ đây, khi thầy đã nghỉ hưu, nhiều người nghĩ thầy sẽ trầm lặng, ẩn mình như một hàm số không còn biến thiên. Nhưng không, thầy Huệ vẫn là thầy Huệ ngày nào, chỉ khác là thay vì dạy Pascal, thì giờ thầy viết tiếp hành trình đời mình bằng những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ đầy thi vị.
Ánh mắt thầy vốn đã biết kể chuyện từ thời còn đứng lớp thì giờ đây càng thêm sâu lắng. Mắt thầy có thể “load” cả một thời thanh xuân, “xuất dữ liệu” về những trò lười biếng nay thành đạt, và “in ra màn hình” ký ức của cả một thời bụi phấn.
Thầy vi vu khắp chốn, không vướng bận, không gấp gáp. Đôi khi lại gặp lại học trò cũ ở nơi ánh nắng xiên nhẹ qua mắt kính thầy, lấp lánh như file chương trình vẫn còn đang chạy ngầm trong trái tim bao thế hệ học trò.
Họ vẫn gọi thầy với tất cả sự thân thương:
“Thầy Huệ đó! Soái ca Pascal một thời”
Nguồn Trang Chilli