Dáng người gầy gò, nhẹ như thể chỉ cần một làn gió mạnh là có thể cuốn bay, thầy Võ Văn Minh lại chính là một “lực hấp dẫn đặc biệt” đối với học trò suốt mấy chục năm đứng lớp. Không phải bằng trọng lực theo kiểu Newton, mà là bằng lực hút từ trái tim, từ sự duyên dáng, vui tính, nhiệt huyết và một niềm yêu đời lan tỏa. Ở lớp học của thầy, mọi định luật đều được “giải phóng” khỏi sự cứng nhắc. Định luật bảo toàn năng lượng? Thầy áp dụng triệt để: dù có mất ngủ soạn bài hay mệt mỏi vì họp hành, thầy vẫn giữ nguyên “năng lượng tích cực” khi bước vào lớp.
Tiết dạy của thầy không bao giờ thiếu tiếng cười. Thầy bảo: “Lực ma sát giúp vật chuyển động chậm lại, còn nụ cười giúp tâm trạng học trò chuyển động nhanh hơn đến… sự yêu thích môn Lý!” Câu nói ấy khiến cả lớp phá lên cười, nhưng cũng nhờ thế, học sinh nhớ luôn bản chất của lực ma sát. Với thầy Minh, bài giảng là một “mạch điện kín”, nơi kiến thức chảy liên tục, không ngắt quãng, nhờ nguồn điện tình yêu nghề chưa bao giờ ngừng cấp.
Học trò hay trêu thầy là “người truyền lực”, vì chỉ cần một ánh mắt nghiêm nghị hay một câu nói hài hước đúng lúc là cả lớp bỗng “chuyển động thẳng đều” vào quỹ đạo học hành. Nhưng thầy cũng cương trực như định luật III Newton: “Lực tác dụng và phản lực luôn có cùng độ lớn nhưng ngược chiều”, nghĩa là ai nói sai, thầy chỉnh ngay, nhưng luôn với thái độ mềm mỏng, đầy bao dung.
Thầy Minh còn có một “định luật riêng” mà học sinh nào cũng thuộc nằm lòng: cứ đến Tết là phải… được thầy đãi. Mỗi dịp cuối năm, nhà thầy như trở thành trạm tụ hội của lớp. Mâm bánh mứt, ly nước trà, tiếng nói cười rộn rã, thầy không chỉ chiêu đãi học trò bằng món ăn mà còn bằng tình cảm chân thành, bằng những lời hỏi han, chia sẻ đầy ấm áp. Có lần, một bạn học trò lỡ tay làm rơi ly nước trên bàn thầy, thầy chỉ cười: “Định luật bảo toàn chất lỏng: đổ đâu cũng được, miễn đừng đổ thi!” thế là cả nhóm phá lên cười, Tết thêm vui, tình thầy trò thêm sâu.
Nghỉ hưu rồi, người ta tưởng “hệ lực tác dụng lên thầy Minh” đã triệt tiêu nhưng không. Thầy vẫn “tịnh tiến” trên những cung đường quê bằng chiếc xe đạp thân thuộc. Mỗi vòng quay bánh xe như kéo theo bao ký ức của một thời phấn trắng bảng đen. Và rồi, bất ngờ hơn cả, thầy ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Gió qua sông rộng”, “Sữa Đắng”. Văn của thầy nhẹ nhàng, trong trẻo, dí dỏm như chính con người thầy. Có truyện kể về một thằng học trò thời chiến mê bóng hơn học Lý, bằng cách giải thích “lực ly tâm” thông qua… cú sút phạt cong kiểu Roberto Carlos; có truyện lại kể về những rung động đầu đời của cô học trò mới chập chững vào cấp 3, được thầy gợi mở qua hiện tượng… cộng hưởng.
Thầy Võ Văn Minh, người suốt đời tin rằng: “Chân lý vật lý có thể thay đổi tùy theo hệ quy chiếu, nhưng lòng tử tế và niềm đam mê thì luôn là hằng số.” Cái hằng số ấy, thầy giữ vững cho đến tận bây giờ trong từng bước đạp, từng trang viết, từng nụ cười nheo mắt mà biết bao thế hệ học trò vẫn nhớ mãi không quên.